Le visage de la petite My (version vietnamienne)
Regardez ce visage et laissez libre cours à vos émotions : horreur, nausée...compassion. Quels que soient nos sentiments, ils ne peuvent pas effacer les douleurs silencieuses endurées par My depuis son enfance.
Depuis, six mois, VFE a entrepris de redonner à My son visage d'adolescente.
Trả lại cho em gương mặt con người.
Bạn thử nhìn gương mặt dưới đây. Bạn cảm thấy gì? Sợ hãi? Ghê tởm? Gớm ghiếc? Buồn nôn? Tội nghiệp? Dù bạn cảm giác như thế nào thì cũng không lột tả được cái đau đớn lặng câm của em ấy.
Em tên là Trương Thoại Mỹ. Năm nay em 14 tuổi. Cha mẹ em cư ngụ ở Cái Nước, một huyện hẻo lánh miền nam nước Việt, thuộc tỉnh Cà-mau. (Khi muốn nói đến một nơi xa tít xa mù ở phía nam thì người ta bảo: vùng Năm Căn - Cái Nước!). Và dĩ nhiên cha mẹ em, dù rất trẻ, là những người lam lũ hầu như chưa bao giờ ra khỏi huyện. Năm lên 7, vì một tai nạn, em bị phỏng nặng từ ngực đến miệng. Nếu là một em ở nước ngoài hay ở thành phố, thì hẳn đã được chữa trị kịp thời và hậu quả sẽ không gì là nghiêm trọng. Nhưng gia đình em quá nghèo đến độ nghĩ đến việc đem em lên bệnh viện đã là một điều không tưởng. Miễn là em bé không chết và vết phỏng lành là được. Vài tháng sau, vết phỏng đúng là đã lành, nhưng gương mặt em không còn là gương mặt con người nữa! Kể từ ấy, từ ngực đến cổ là một bãi chiến trường, và miệng em không thể nào ngậm lại được. Ở lứa tuổi mà trẻ em bay nhảy vui chơi, thì em du dú trong nhà để khỏi bị bạn bè ghê tởm. Rồi năm này qua năm kia, cha mẹ em cũng như em cam chịu nỗi đau như muôn ngàn bất hạnh khác từng ập xuống trên đời mình.
May thay, năm ngoái, qua trung gian cha sở Cái Rắn, linh mục Ngô Phúc Hậu - một người hiểu rất rõ tình trạng đáng thương của cháu Mỹ - Bác sĩ Hoa, một thành viên của tổ chức nhân đạo Tương Thân Việt Pháp (Vietnam France Échange), đã gặp em trong buổi khám bệnh tại phòng khám Thanh Tâm ở Cái Rắn. Động lòng trước tình trạng của em bé, chị đã chụp vài bức ảnh với hy vọng làm được một điều gì đó cho em khi về lại bên Pháp. Về đến Paris, chị Hoa liên lạc với những thân hữu trong ngành da liễu. Khi xem bức ảnh của em bé bị phỏng, bác sĩ Dominique, chuyên viên da liễu ở bệnh viện Necker, cũng động lòng như chị nên đã giới thiệu với Children Action, một tổ chức gồm nhiều bác sĩ chuyên khoa Pháp thường đến tiến hành phẫu thuật tại Việt Nam cho những người bị phỏng nặng, trong chương trình phối hợp với Bệnh Viện Nhi Đồng I tại Sàigòn
Thư chạy lòng vòng từ người này sang người kia, cuối cùng đại diện Children Action gửi email để cho một cái hẹn vào ngày 10 tháng 3 năm 2008 tại bệnh viện Nhi Đồng 1. Thế là tại Càmau, cha Hậu cử cha phó của mình, cha Đạt, chuẩn bị mọi sự để đưa em về Saigon mà chữa trị.
Gần đến ngày hẹn, những email xin xác nhận cuộc hẹn không được trả lời. Cha Đạt đích thân lên Saigon, vào khoa phỏng Nhi Đồng I hỏi tin tức. Không ai biết gì về cuộc hẹn cả, cũng như hoạt động của Children Action. Tại Paris, tại Saigon, tại Càmau, rất nhiều người tiếp nối nhau dò hỏi tin tức, rồi cuối cùng cũng liên lạc được với Children Action.
Thế là mọi chuyện xảy ra tốt đẹp. Em Mỹ cùng cha mình được đưa về Saigon. Em được khám đúng như dự kiến và hôm sau được đoàn bác sĩ của Children Action giải phẫu sơ khởi để chữa trị… Phần giải phẫu thẩm mỹ để trả lại làn da xưa thì còn phải đợi những lần sau.
Thế cũng đã là một bước đi dài. Hôm nay em Mỹ đã ra khỏi phòng hồi sức. Em đã được giải phẫu từ lồng ngực đến dưới càm. Vết thương ở ngực đã êm, nhưng cổ em còn hơi đau. Em vẫn chưa cười được, tuy nhiên miệng em đã ngậm lại được sau 7 năm, và em đã có được một gương mặt người. Đưa máy ảnh lên chụp, tôi bỗng thấy em đẹp hẳn, dù vết thẹo quanh càm vẫn còn nguyên. Không! Không hẳn là em đẹp, nhưng em tỏa rạng cái đẹp của tình người. Một tình thương cảm nối kết bao nhiêu người từ Cà mau đến Paris rồi trở về Saigon … Một tình người vực một hình hài đáng ghê tởm thành gương mặt khả ái của một thiếu nhi, và trả lại cho em quyền làm người.
Cha của em là một thanh niên tuấn tú, ăn mặc đàng hoàng, có vẻ người thành phố hơn là người vùng quê, nhưng đàng sau cái vỏ dễ đánh lừa ấy, là một người lam lũ nghèo khó.
|
Ngồi bên cạnh cha em, tôi hỏi:
- Anh lên lo cho cháu thế này thì công việc ở nhà làm sao?
- Em là người làm việc chính trong gia đình, nhưng phải bỏ hết chớ biết sao. Phải lên đây với nó chớ!
- Sao không nói má cháu lên để anh ở nhà lo công ăn việc làm?
- Ui da! Bả lên đây làm sao mà qua đường. Đường ở thị trấn Cà mau còn chưa dám qua nữa là!
Im lặng! Thấy mình vô duyên, tôi chuyển đề tài:
- À, cha Đạt cho tôi hay là có gửi cho anh một ít tiền để lo cho cháu.
- Dạ có!
- Cháu thích gì thì cứ lo cho cháu nhé, miễn là đừng sai lệnh bác sĩ. Nếu kẹt quá thì điện thoại cho tôi. Tôi ở Saigon, sẽ đến với anh ngay lập tức.
- Ui cha! Trên này cái gì cũng mắc quá! Hộp cơm 20.000đ. Hổng dám ăn luôn. Hôm qua, nó nói nó thèm nho lắm! Em xuống hỏi, họ nói một gói nửa ký là 40000đ. Em hổng dám mua. Thôi! Biểu nó nhịn!
- Sao không mua cho cháu… Anh cứ việc mua anh nhé!!!
Anh cúi mặt, không trả lời! Chắc anh không thể tưởng tượng con mình có thể vui miệng 10 phút đồng hồ bằng công sức hai ngày làm việc của anh.
Viết đến đây tôi bỗng thấy mình buồn cười! Sao tôi không mua lấy nửa ký nho đem vào cho cháu mà lại ngồi nghĩ viển vông! Vâng! Phải rồi! Post xong bài này tôi sẽ đem vào cho cháu nửa ký nho!
Cháu Mỹ à! Tối nay cháu sẽ có nho ăn đấy! Đừng lo!